Trang chủ Kết quả CCHC Báo cáo CCHC định kỳ

Kết quả thực hiện công tác cải cách hành của chính tỉnh Lai Châu năm 2020
(Ngày đăng :13/12/2020 4:59:15 CH)


Năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục bám sát các nhiệm vụ cải cách hành chính được UBND tỉnh giao để tổ chức thực hiện, kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

Công tác chỉ đạo, điều hành: Công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đảm bảo tính kịp thời, linh hoạt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ứng phó với tình hình dịch covid-19. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính, đặc biệt là những giải pháp nhằm cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2020, UBND tỉnh tổ chức thành công buổi Tọa đàm đánh giá, phân tích Chỉ số CCHC và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Lai Châu năm 2019 và Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính nhà nước tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030.

Công tác tuyên truyền tiếp tục được UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện một cách đa dạng, sáng tạo. Các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đều được gửi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương bằng hệ thống quản lý văn bản. Đồng thời được cụ thể hóa thông qua các tin, bài, phóng sự để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin cải cách hành chính. Trong năm 2020, tỉnh Lai Châu đã lồng ghép công tác tuyên truyền cải cách hành chính cùng với tuyên truyền dân vận khéo khối chính quyền tỉnh lần thứ 2 (bằng hình thức sân khấu hóa), tuy nhiên do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khá phức tạp, do vậy Ban Tổ chức Hội thi đã có văn bản dừng tổ chức Hội thi dân vận khéo khối chính quyền tỉnh Lai Châu lần thứ 2.

Nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2020 của các đơn vị, UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra cải cách hành chính trong đó đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng đoàn, đồng chí Phó Giám đốc Sở Nội vụ và Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Phó Trưởng đoàn. Theo đó, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính đã kiểm tra tại 11 cơ quan, đơn vị, địa phương gồm: 07 sở, ngành, 02 huyện và 02 đơn vị cấp xã. Ngoài ra, Tổ kiểm tra công vụ công chức của tỉnh đã thực hiện kiểm tra công vụ công chức, siết chặt kỷ luật kỷ cương công chức tại 03 cơ quan, đơn vị. Qua công tác kiểm tra, nhìn chung các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc quán triệt, ban hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng tiến hành tự kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2020 tại 84 phòng, ban, đơn vị trực thuộc.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL): Ngay từ cuối năm 2019, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, nhằm triển khai thực hiện công tác xây dựng, ban hành, theo dõi và kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm báo cáo công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành trong năm 2020 đã hoàn thành 100% kế hoạch (kiểm tra được 40/40 văn bản); Sở Tư pháp cũng đã giúp Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra 04 văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được gửi đến (đạt 100%). Qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra cho thấy về cơ bản các văn bản QPPL do UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành đã đảm bảo đúng về thẩm quyền ban hành, trình tự thực hiện.

Công tác rà soát văn bản QPPL được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thường xuyên khi có căn cứ rà soát. Kết quả rà soát trong năm 2020 (tính đến 30/9/2020) được 502 văn bản, trong đó: Số văn bản còn hiệu lực: 492 văn bản; văn bản hết hiệu lực toàn bộ: 20 văn bản; văn bản hết hiệu lực một phần: 13 văn bản; văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 57 văn bản. Các văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đều được đăng tải lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật kịp thời, đầy đủ (đã đăng tải 40 văn bản).

Công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa,một cửa liên thông: Trong năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt thông qua phương án đơn giản hóa của 25 TTHC thuộc 10 lĩnh vực: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các TTHC còn lại được rà soát, đánh giá theo Kế hoạch nhưng không đề xuất phương án đơn giản hóa (Trong đó, có 24 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định áp dụng của Chủ tịch UBND tỉnh; 01 thủ tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi).

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lai Châu đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 03/9/2019. Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) đang thực hiện tại Trung tâm  1.384 TTHC của 15 sở, ngành, 02 công ty và 02 cơ quan ngành dọc trong đó: 285 TTHC được giải quyết tại chỗ. Công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, 08/08 huyện, thành phố và 106/106 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Số thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là: 1988 TTHC (cấp tỉnh: 1651 TTHC, cấp huyện: 222 TTHC, cấp xã: 115 TTHC). Việc giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện trên Hệ thống một cửa điện tử liên thông 4 cấp VNPT-Igate.

Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về quy định thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước: Trong năm UBND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cho 03 cơ quan chuyên môn (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Y tế).

Tính đến hết tháng 11/2020, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 15 tổ chức, đơn vị nâng tổng số đã sắp xếp giảm 229 tổ chức, đơn vị so với thời điểm trước khi thực hiện Nghị quyết số 18, số 19-NQ/TW, trong đó: 01 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; 42 phòng, ban, chi cục, đơn vị (trong đó: 20 phòng, 02 chi cục; 20 đơn vị sự nghiệp) thuộc các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh; 43 phòng, đơn vị (trong đó: 18 phòng và 25 đơn vị sự nghiệp) thuộc chi cục trực thuộc Sở, ngành thuộc UBND tỉnh; 49 đầu mối trực thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 06 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện; 07 đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; 81 trường học; giảm 966 biên chế do sắp xếp tổ chức bộ máy (trong đó: biên chế công chức 93 người, viên chức 839 người, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 34 người) và giảm 12 lãnh đạo (cấp trưởng 07 người; cấp phó 05 người) nâng tổng số giảm 242 lãnh đạo, quản lý (cấp trưởng 134 người; cấp phó 108 người) so với năm 2017.

Đã rà soát, sắp xếp, giảm 11 đơn vị và đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp công lập nâng tổng số giảm 189 đơn vị và đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 11 biên chế sự nghiệp nâng tổng số giảm 873 biên chế sự nghiệp do sắp xếp tổ chức bộ máy (trong đó 34 biên chế hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) so với năm 2017. Từ năm 2015 đến tháng 11/2020, giảm 155/598 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, thuộc Chi cục, thuộc UBND cấp huyện và các trường học đạt 25,92% so với năm 2015 vượt 15,92% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đến năm 2021 và vượt 5,92% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đến năm 2025.

Trong năm 2020 đã thực hiện sắp xếp 02 đơn vị hành chính xã Sùng Phài, huyện Tam Đường với xã Nậm Loỏng thành phố Lai Châu và xã Ma Li Chải với xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (giảm 02 đơn vị hành chính cấp xã); sáp nhập, đặt tên 72 bản, tổ dân phố để thành lập, đặt tên 34 bản, tổ dân phố, giảm 38 bản, tổ dân phố, đến nay toàn tỉnh sáp nhập được 426 bản, tổ dân phố để thành lập 212 bản, tổ dân phố, giảm 213 bản, tổ dân phố (từ 1.169 thôn, bản, tổ dân phố giảm xuống còn 956 thôn, bản, tổ dân phố); giảm 2.447 người hoạt động không chuyên trách.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Số lượng lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lai Châu cơ bản đảm bảo bằng hoặc thấp hơn quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong năm, tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ ăm 2020 là 122 người. Phê duyệt kết quả và ban hành quyết định tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển cho 17 công chức đạt yêu cầu trong kỳ sát hạch; quyết định tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển cho 03 công chức (thuộc diện không phải thành lập Hội đồng); phê duyệt kết quả thi tuyển công chức người dân tộc thiểu số và Thông báo trúng tuyển cho 22 người; quyết định tuyển dụng 82 viên chức. Thực hiện Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020, Sở Nội vụ tham mưu Hội đồng xét tuyển xem xét khắc phục sai phạm trong công tác tuyển dụng cho 203 công chức, viên chức.

    Về cải cách tài chính công: Trong năm, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản chỉ đạo: Công văn số 1446/UBND-KTN ngày 20/7/2020 đẩy mạnh các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2020; Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 quy định danh mục tài sản cố định đặc thù; danh mục,thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình; danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn tài sản chưa đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lai Châu. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã thực hiện xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản trên cơ sở chế độ, chính sách hiện hành của nhà nước và thực hiện công khai tài chính. Đến thời điểm báo cáo: 42/42 sở, ban, ngành cấp tỉnh được giao thực hiện tự chủ; 142/142 cơ quan chuyên môn cấp huyện được giao thực hiện tự chủ; 106/106 số đơn vị cấp xã được giao thực hiện tự chủ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tất cả các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác đều thực hiện theo Nghị định 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Đến thời điểm báo cáo có 15 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 50 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường và 411 đơn vị do NSNN đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư.

     Về hiện đại hoá hành chính: Tỉnh Lai Châu đã nỗ lực bố trí nguồn lực để nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị máy móc, trang thiết bị cần thiết cho công chức làm việc. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành kết nối liên thông tất cả các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và các tổ chức hội do tỉnh thành lập đã thực hiện việc kết nối với Chính phủ trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tính đến nay đã thiết lập cho 698 cơ quan với tổng số tài khoản là 8200 tài khoản, đảm báo 100% văn bản gửi nhận và xử lý trong cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0.

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện. Tính đến thời điểm báo cáo, tỉnh đã triển khai thực hiện được 90% kế hoạch ISO năm 2020. Hiện nay, toàn tỉnh có 180 đơn vị áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 gồm: 41 đơn vị cấp tỉnh (25 sở, ngành, 09 chi cục, 07 Trung tâm thuộc Sở); 33 đơn vị cấp huyện (08 huyện và thành phố, 25 phòng chuyên môn thuộc huyện và thành phố); 106 đơn vị cấp xã. Số đơn vị đã thực hiện chuyển đổi sang HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 là 180 đơn vị (đạt 100%).

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp: Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư, giao đất, cho thuê đất,... cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án lớn, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. UBND tỉnh đã thành lập tổ hỗ trợ đối với các dự án trọng điểm; tổ chức chương trình cafe doanh nhân để lắng nghe và chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh theo Công điện số 5452/CĐ-VPCP ngày 06/7/2020 của Văn phòng Chính phủ; thực hiện điều chỉnh cắt giảm đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn, trực tiếp bởi dịch Covid-19 (cắt giảm 41 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 87 doanh nghiệp so với kế hoạch thanh tra đầu năm); tổ chức tọa đàm phân tích, đánh giá chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019; xây dựng Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020. Ban hành Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Lai Châu năm 2020 (DDCI), đây là cơ sở để thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương, góp phần nâng cao điểm số và cải thiện tứ bậc PCI hàng năm của tỉnh.

Trong năm, tỉnh thành lập mới cho 140 doanh nghiệp, 30 hợp tác xã, cấp quyết định chủ trương đầu tư 28 dự án, đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh có 1.511 doanh nghiệp, 30 hợp tác xã, 246 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 123.041 tỷ đồng.

Trên cơ sở những kết quả trên, UBND tỉnh đặt ra một số nhiệm trọng tâm năm 2021, cụ thể:

1. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020, xây dựng kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

2. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

3. Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nhằm lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

4.Phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy tính sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ. Quan tâm, ban hành các chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để họ yên tâm công tác, tập trung trí lực, nâng cao hiệu quảgiải quyết công việc.

5.Tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

6.Tiếp tục thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005; Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013; Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Nghị định 54/2015/NĐ-CP ngày 14/6/2015 của Chính phủ đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chia tách, sát nhập, thành lập mới hướng dẫn các đơn vị thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xây dựng phương án chuyển đổi hoạt động của các đơn vị.

7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các đơn vị; chú trọng việc xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Xem chi tiết báo cáo tại đây!

 

 

Tin liên quan

Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2022(20/12/2022 9:18:33 CH)

Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu quý III năm 2022(23/09/2022 4:42:41 CH)

Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 06 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lai Châu(21/06/2022 3:46:32 CH)

Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính quý I năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lai Châu(20/03/2022 11:02:58 SA)

Kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của tỉnh Lai Châu(21/12/2021 9:11:14 SA)

Tin mới nhất

Sáng ngày 19/4/2023, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 4 và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).(21/04/2023 5:37:58 CH)

Thủ tướng Chính phủ: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030(21/04/2023 8:04:25 SA)

Chuyển đổi số phải có tư duy đi trước, đi tắt đón đầu, đi trước - về trước(27/02/2023 8:12:07 SA)

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 03 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ(06/02/2023 10:24:37 SA)

Lai Châu ban hành Bộ Chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh(30/12/2022 9:10:44 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Ông Vừ A Tiến
Tầng 2, nhà D, khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 02133 876 650
cchc@laichau.gov.vn

www.cchc.laichau.gov.vn